Đâu là cách sơ cứu khi bị dằm đâm chuẩn xác?

Nhiễm trùng uốn ván nặng do chủ quan với việc bị dằm đâm, tạo vết thương nhỏ

Nhiều người vẫn thường cho rằng vết thương nhỏ ở trên da sẽ nhanh chóng khỏi nhưng không thể ngờ một vết thương nhỏ có dị vật cắm vào lại có thể đe dọa cả tính mạng. Năm 2016, một người đàn ông 70 tuổi ở Đắk Lắk vô tình dẫm phải một chiếc dằm nhưng không cảm thấy đau nhiều nên đã không xử lý. Để rồi mấy tháng sau, ông phải đến 2 bệnh viện ở TP.HCM để phẫu thuật lòng bàn chân trái nhiễm trùng nặng, phải cắt lọc.

Nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng vì chủ quan vết thương nhỏ, đâu là cách sơ cứu khi bị dằm đâm chuẩn xác? - Ảnh 1.

Nhiều người vẫn thường cho rằng vết thương nhỏ ở trên da sẽ nhanh chóng khỏi nhưng không thể ngờ một vết thương nhỏ có dị vật cắm vào lại có thể đe dọa cả tính mạng.

Năm 2013, nhiều người cũng phải hốt hoảng trước trường hợp một bé trai ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị dằm gỗ ghim vào chân lên cơn đau đầu dữ dội, đau họng, tri giác lơ mơ. Bệnh nhi được cấp cứu trong tình trạng sốt cao, thi thoảng co giật, không nuốt được thức ăn, cơ chân và cột sống cơ cứng, chân bị dằm đâm sưng to, có dấu hiệu nhiễm trùng. Kết luận: bệnh nhi bị nhiễm trùng uốn ván.

Nguyên nhân khiến tình trạng của bệnh nhi trở nên nặng nề là do phía gia đình quá chủ quan. Nghĩ là vết thương nhỏ, bệnh nhi có thể tự khỏi tại nhà. Đáng tiếc, một chiếc dằm nhỏ bé đâm vào chân lại khiến bệnh nhi phát sinh nhiều triệu chứng bệnh tật nguy hiểm tính mạng.

Nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng vì chủ quan vết thương nhỏ, đâu là cách sơ cứu khi bị dằm đâm chuẩn xác? - Ảnh 2.

Nhiều người bị nhiễm trùng, uốn ván trong tình trạng rất nặng mặc dù khởi phát chỉ là một vết thương rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày như trầy xước da...

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), nhiều người bị nhiễm trùng, uốn ván trong tình trạng rất nặng mặc dù khởi phát chỉ là một vết thương rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày như trầy xước da, chân chống xe quệt vào chân, đứt tay, xương cá hay dằm gỗ đâm… Hầu hết là do chủ quan, chúng ta đều xử trí ban đầu không tốt nên tỷ lệ nhiễm trùng nặng từ vết thương nhỏ dạng này rất cao.

Làm thế nào để xử lý khi bị dằm đâm đúng cách, tránh nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng?

Theo chuyên gia, để xử lý khi bị dằm đâm đúng cách, bạn cần phải nhanh chóng lấy được chiếc dằm ra khỏi da để tránh vết thương có nguy cơ nhiễm trùng nặng. Một số giải pháp lấy dằm đâm ra khỏi vùng da bị cắm đó là:

Nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng vì chủ quan vết thương nhỏ, đâu là cách sơ cứu khi bị dằm đâm chuẩn xác? - Ảnh 3.

Để xử lý khi bị dằm đâm đúng cách, bạn cần phải nhanh chóng lấy được chiếc dằm ra khỏi da để tránh vết thương có nguy cơ nhiễm trùng nặng.

Lấy dằm ra bằng nhíp

- Rửa sạch vùng da xung quanh khu vực tổn thương bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn, rửa thật nhẹ nhàng vùng da xung quanh chiếc rằm. Có thể dùng ôxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng.

- Dùng cồn để khử trùng nhíp. Điều này giúp giảm rủi ro vi khuẩn xâm nhập vào vết thương.

- Soi vùng bị dằm đâm dưới kính lúp và dùng nhíp gắp chiếc dằm ra. Nếu dằm đâm sâu dưới da, bạn hãy khéo léo rạch và lật lớp da bên trên chỗ dằm đâm và gắp nó ra.

Nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng vì chủ quan vết thương nhỏ, đâu là cách sơ cứu khi bị dằm đâm chuẩn xác? - Ảnh 4.

Gắp dằm ra bằng nhíp là cách được áp dụng phổ biến nhất.

Lấy dằm đâm bằng băng dính

- Với những chiếc dằm mỏng manh như gai hoặc sợi thủy tinh, bạn có thể lấy được ra dễ dàng nếu biết sử dụng băng dính. Đầu tiên bạn vẫn phải đảm bảo vệ sinh sạch bằng nước và xà phòng với khu vực bị dằm đâm.

- Dán một miếng băng dính lên chiếc dằm và ấn mạnh xuống để băng dính dính vào dằm.

- Kéo băng dính ra thật từ từ theo đúng hướng dằm đâm vào.

- Kiểm tra băng dính xem chiếc dằm có dính trong băng dính không. Đồng thời bạn cần kiểm tra lại xem còn phần nào của dằm trên da không. Nếu có, tiếp tục lặp lại thao tác cho đến khi hết.

Sau khi lấy được dằm đâm, bạn nhẹ nhàng nặn vết thương đến khi có máu rỉ ra để đẩy vi trùng bám từ dằm theo máu ra ngoài. Sau đó nhanh chóng cầm máu nếu vết thương tiếp tục chảy máu với gạc hoặc bông gòn ấn lên vết thương. Sát trùng vùng tổn thương, sau đó băng vết thương lại.

Nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng vì chủ quan vết thương nhỏ, đâu là cách sơ cứu khi bị dằm đâm chuẩn xác? - Ảnh 5.

Rửa sạch vùng da xung quanh khu vực tổn thương bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn là bước đầu tiên cần có khi muốn lấy dằm ra.

Nếu bắt đầu có biểu hiện nhiễm trùng tại vị trí lấy dằm ra, bạn cần nhanh chóng đến bác sĩ. Bác sĩ có thể kê toa thuốc điều trị và lấy nốt những mẩu dằm còn sót mà bạn không nhìn thấy.

Nếu sử dụng cả hai cách này mà không lấy được dằm đâm ra khỏi cơ thể, bạn cần nhanh chóng sử dụng các loại dung dịch sát trùng bề mặt da, lau khô, băng lại bằng gạc sạch và đến cơ quan y tế nhờ xử lý. Các bác sĩ sẽ căn cứ tình hình và cho bạn uống kháng sinh và tiêm ngừa uốn ván kịp thời.

Ngay cả trong trường hợp có thể tự lấy dằm ra khỏi vết thương, bạn vẫn nên đến kiểm tra chắc chắn xem còn sót dằm không để được xử lý. Để phòng ngừa nhiễm trùng uốn ván khi bị thương, nên đến ngay cơ sở y tế để tiêm ngừa huyết thanh ngừa uốn ván. Một mũi tiêm phòng uốn ván đôi khi có thể cứu được cả mạng người.